Tiền Giang: Kinh nghiệm xây dựng và phát triển Quỹ HTND
09:18 - 19/01/2015
(Quỹ HTND) - Nhiều năm qua, tuy chưa thành lập được Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện nhưng công tác quản lý vốn vận động và cho vay của cơ sở luôn được Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang quan tâm; huyện Hội quản lý trực tiếp thông qua tài khoản tại Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần tăng trưởng tốt nguồn vốn, hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra.

 

 

Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu vận động của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao và số lượng hội viên cũng như điều kiện thực tế của mỗi huyện, thành, thị Hội; Ban Điều hành Quỹ tham mưu với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phân bổ chỉ tiêu vận động cho 11/11 đơn vị cấp huyện. Chỉ tiêu vận động này được lồng ghép vào Nghị quyết thi đua hàng năm để đơn vị cấp huyện phân bổ đến từng cơ sở. Hình thức vận động trên tinh thần tự nguyện đóng góp ủng hộ, vận động cán bộ công chức, hội viên nông dân và các tổ chức, cá nhân, các Mạnh Thường quân trên địa bàn tỉnh.

 

Thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân; từ đó tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ nguồn vốn hoạt động cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương. Kết quả, tới tháng 11/2012, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp nhận 5 tỷ đồng để tăng nguồn vốn Quỹ và đến đầu năm 2015 sẽ tiếp tục hỗ trợ tiếp 5 tỷ đồng nữa theo kế hoạch số 201/KH- UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với Hội Nông dân huyện, thành, thị, có 8/11 đơn vị cũng nhận được vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương với số tiền 900 triệu đồng.

 

Tính đến hết tháng 11/2014, có 3/11 huyện, thành, thị hoàn thành thủ tục thành lập Quỹ cấp huyện, có con dấu và tài khoản riêng gồm: Châu Thành, thị xã Gò Công, Gò Công Đông; trong đó, huyện Châu Thành đã tiến hành xong chuyển vốn từ cơ sở về Ban điều hành huyện quản lý; huyện Tân Phú Đông và Cai Lậy cơ bản hoàn thành xong thủ tục thành lập Quỹ, hiện đang đợi khắc con dấu Quỹ Hỗ trợ nông dân. Các đơn vị còn lại dự kiến đến cuối 2014 sẽ hoàn thành xong thủ tục thành lập Quỹ cấp huyện và gom vốn từ cơ sở về huyện quản lý.

 

Trong năm 2014, đã có 167/167 cơ sở Hội vận động được 3.735.884.000 đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 38.510.936.458 đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác là 9.173 triệu đồng, vốn do ngân sách cấp đạt 5.900 triệu đồng. Đơn vị cấp huyện có nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cao nhất là huyện Cái Bè, đạt 4,3 tỷ đồng. Hai đơn vị có nguồn vốn đạt trên 3 tỷ đồng là: huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo. Hai đơn vị có nguồn vốn trên 2 tỷ đồng là: huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông. Ngoài ra còn có bốn đơn vị có nguồn vốn trên 1 tỷ đồng, đơn vị có số vốn ít nhất là huyện Tân Phú Đông cũng đạt trên 500 triệu đồng.

 

Từ nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác, hiện đang thực hiện tại 22 dự án cho 515 hộ hội viên nông dân vay vốn, số tiền là 9.173 triệu đồng. Nguồn vốn do tỉnh quản lý hiện đang thực hiện 17 dự án cho 512 hộ được vay với số tiền 5.792 triệu đồng. Nguồn vốn cấp huyện quản lý đang cho vay 7.092 hộ với số tiền 20.926.901.000 đồng.

 

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, có rất nhiều dự án đã xây dựng thành công những mô hình kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất. Điển hình như: Dự án chăn nuôi bò xã Tân Thành huyện Gò Công Đông, hỗ trợ cho 15 hộ nông dân nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, từ đó hình thành nên tổ hợp tác chăn nuôi bò thu hút thêm nhiều lao động tham gia, góp phần lan tỏa ý nghĩa của việc xây dựng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; hay như Hội Nông dân xã Trung An thành phố Mỹ Tho, mạnh dạn đầu tư dự án chăn nuôi heo sinh sản theo quy trình sinh học cho 29 hộ nông dân vay vốn, hình thành tổ liên kết chăn nuôi, phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên tập huấn khoa học kỹ thuật, thực hiện mô hình chăn nuôi mới, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí cho người nông dân.

 

Nhìn chung, các hộ tham gia dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn, nhiều hộ gia đình có thêm vốn đầu tư sản xuất, mở rộng ngành nghề, giúp cho nông dân thiếu vốn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân nghèo vươn lên xóa đói giảm nghèo và nhiều hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

 

Đồng thời, thông qua hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng đã thu hút được đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội; việc sinh hoạt chi, tổ Hội cũng đi vào nề nếp và thường xuyên hơn, từ đó công tác vận động tạo nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt được nhiều kết quả tốt hơn trước.

 

Về hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách là 842.956 triệu đồng, với 1.674 tổ TK & VV và 63.156 thành viên tham gia, thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách. Trong năm, Ban điều hành Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra được 11/11 đơn vị cấp huyện, 20/167 cơ sở Hội và trên 60 tổ TK & VV về hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó cũng củng cố lại hoạt động phối hợp giữa hai ngành.

 

Đối với việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho thấy, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng là 946.189 triệu đồng, với 1.039 tổ LDVV cho 37.691 hộ vay vốn.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Hội và huyện Hội cũng thực hiện tốt công tác mở và ghi chép các loại sổ sách theo quy định của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Việc thực hiện thu, chi phí Quỹ Hỗ trợ nông dân và hoa hồng ủy thác tương đối tốt, thực hiện đúng nội dung quy định về tài chính, có đủ chứng từ theo quy định. Tuy vẫn còn một số cơ sở thực hiện chưa đầy đủ nhưng qua công tác kiểm tra, nhắc nhở đã dần khắc phục và hoàn thiện hơn. Công tác lưu giữ hồ sơ được thực hiện khá tốt, đảm bảo yêu cầu của công tác kiểm tra, quản lý và theo dõi hoạt động Quỹ.

 

Hàng năm, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân đều phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của tỉnh, Sở LĐ- TB & XH, Sở NN & PTNT tổ chức các lớp hướng dẫn xây dựng phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển giao KHKT cho hội viên, nông dân tham gia vay vốn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo phát huy tốt nhất hiệu quả đồng vốn vay của người nông dân.

 

Tỉnh Hội cũng chú trọng việc kiểm tra thường xuyên và định kỳ, có 100% huyện, thành, thị ít nhất 2 lần/năm kiểm tra hoạt động quản lý Quỹ cấp cơ sở và thực hiện kiểm tra chuyên đề được 40/167 cơ sở. Phân công cho huyện Hội tiến hành kiểm tra được 100% cơ sở mỗi năm 2 lần, chủ yếu tập trung kiểm tra vốn vận động của cơ sở, việc cập nhật sổ sách, chứng từ thu chi và việc lưu giữ hồ sơ. Cấp cơ sở thường xuyên kiểm tra hoạt động của chi, tổ Hội về công tác vận động, về quản lý vốn ủy thác và phối hợp với Hội cấp trên kiểm tra các hộ vay vốn từ nguồn của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

 

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp Trung ương cũng như của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh nên việc xây dựng, củng cố và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện và từng bước hoạt động có hiệu quả, xem đây như một kênh kết nối với nông dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và vận động nông dân tham gia vào tổ chức Hội.

 

Công tác quản lý vốn và hoạt động tài chính của Quỹ được đặc biệt quan tâm và thường xuyên kiểm tra, theo dõi nên nguồn vốn các cấp được quản lý hết sức chặt chẽ, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc tiêu cực hay thất thoát có thể xảy ra. Ban Thường vụ, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cũng rất quan tâm tới việc sử dụng đồng vốn vay của các hộ nông dân, làm sao phát huy hết hiệu quả của đồng vốn, xây dựng các mô hình kinh tế mới có sức lan tỏa trong công tác Hội và phong trào nông dân.

 

Năm 2014, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phát động năm cao điểm tập trung cho công tác vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cơ sở, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc và 20 năm thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân, đã được cán bộ, hội viên, nông dân hết sức ủng hộ. Kết quả đã đạt tới 370% chỉ tiêu mà Trung ương Hội phân bổ.

 

Thành Tâm

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng